Theo đề xuất của Chính phủ, kể từ ngày 1.7 sẽ điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội. Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo động lực nâng cao năng suất.
Người lao động làm thủ tục về thuế thu nhập cá nhân
Song song đó, Chính phủ cũng đề xuất tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng, mức cao nhất từ trước đến nay (trước chỉ tăng hơn 7%) nhằm đảm bảo sự hỗ trợ, chăm lo cao nhất của nhà nước cho người lao động đã nghỉ hưu.
Không chỉ riêng khu vực nhà nước, từ ngày 1.7, lương tối thiểu tháng và giờ cũng được đề xuất tăng thêm 6% so với hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng). Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, vùng I đạt 23.800 đồng/giờ, vùng II lên 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay khi được áp dụng sẽ mang lại niềm vui cho hàng chục triệu người lao động, viên chức nói chung. Dù vậy, đi kèm niềm vui cũng là nỗi lo của nhiều người lao động vì trên thực tế sau những đợt tăng lương trước đây thì giá hàng hóa cũng tăng theo. Đồng thời, quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn chưa được thay đổi, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương lại phải đóng thuế nhiều hơn. Thậm chí, nhiều người trở thành đối tượng phải nộp thuế TNCN dù trước đây không thuộc diện này.
Thuế tăng, nhảy bậc thuếNghe tin lương tăng từ 1.7, nhiều công chức, viên chức vừa vui vừa hồi hộp. Chị Kim Ngân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết đầu tháng 7.2023, khi Chính phủ tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng, lương của chị có hệ số lương 2,34 nên tăng thêm hơn 700.000 đồng. Ngoài ra cơ quan còn chi trả khoản lương tăng thêm theo kết quả kinh doanh và một số phụ cấp khác nên tổng cộng lương từ gần 11 triệu đồng/tháng trước đó lên hơn 11,7 triệu đồng. Kết quả, từ người chưa đóng thuế TNCN thì vì lương lên trên 11 triệu đồng nên chị đã thuộc diện đóng thuế. "Dù số thuế đóng 36.000 đồng không phải quá lớn, nhưng tự dưng cũng thấy hụt hẫng. Hiện chưa biết chính xác cả lương ngạch bậc và phụ cấp sẽ tăng lên bao nhiêu nhưng ước tính cũng lên hơn triệu đồng và thuế phải đóng hằng tháng sẽ cao hơn hiện tại. Mức tăng lương chưa bù đắp được phần nào giá cả hàng hóa tăng mà lại rơi đúng vào cảnh đóng thuế", chị Kim Ngân nói.
Đó cũng là tâm trạng của chị T.H (Q.3, TP.HCM), khi lương cơ sở tăng đồng nghĩa mỗi tháng chị sẽ nhận được số lương tăng thêm và một số thu nhập khác mà công ty trả thêm, đưa tổng thu nhập của chị từ hơn 18 triệu đồng/tháng ước tính sẽ lên hơn 20 triệu đồng và tiền đóng thuế cũng tăng. Tính sơ bộ, tiền thuế TNCN hiện tại chị phải đóng là 450.000 đồng/tháng nhưng từ 1.7, ước tính tiền thuế TNCN phải đóng là 650.000 đồng, tăng 200.000 đồng. Mức tăng này tương đương 10% so với số tiền lương tăng thêm, đồng thời chiếm gần 1/3 số thuế phải nộp. "Mong lương tăng lên để bù đắp những khoản chi phí sinh hoạt tăng lên nhưng khi nghe kế toán báo trừ thuế thì kém vui. Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng giữ nhiều năm nay trong khi mọi chi phí thay đổi hằng năm theo chiều hướng tăng lên, chẳng hạn trước đây tô phở 45.000 đồng, nay tăng lên 60.000 đồng… mà mức GTGC vẫn không đổi", chị T.H than thở.
Đồng cảnh ngộ, anh N.V (Q.1, TP.HCM) lo lắng khi lương tăng thì số thuế TNCN phải đóng cũng lên theo như năm trước đã diễn ra. Đặc biệt, năm nay đến đầu tháng 7 cũng là lúc con anh N.V hết tuổi đi học nên không còn được tính là người phụ thuộc. Do vậy, ước tính mức thuế TNCN mà anh phải đóng sẽ lên cao hơn nhiều do thu nhập chịu thuế lên cao. Theo ước tính của anh, thuế suất thuế TNCN của anh trước đây đang đóng ở mức 15%, nay lương tăng lên hơn 2 triệu đồng cộng thêm giảm số người phụ thuộc nên chắc thuế suất sẽ tăng lên mức 20%.
Sự bất cập lương tăng thuế tăng đã xảy ra trong những năm gần đây, khi Chính phủ nhiều lần điều chỉnh tăng lương cơ sở nhưng luật thuế TNCN dù được đánh giá đã quá lạc hậu vẫn chưa được thay đổi. Đây chính là nguyên nhân khiến mỗi lần lương tăng thì người lao động, viên chức phải đóng thuế nhiều hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng lương tăng đồng nghĩa thu nhập tăng lên, song mức GTGC để tính thuế TNCN không được điều chỉnh sẽ dẫn đến bất cập là mức thuế suất của người nộp thuế nhảy lên mức cao hơn. Đáng chú ý, điều này làm mất đi ý nghĩa của chính sách tăng lương 30% do Chính phủ đưa ra vì thực chất thu nhập của nhiều công chức, viên chức không tăng lên đến mức này. Hay theo quy định của luật thuế TNCN, khi nào chỉ số lạm phát CPI tăng trên 20% thì mới điều chỉnh mức GTGC. Từ nhiều năm nay, mức GTGC đã bị xem là lạc hậu nên nếu chờ CPI tăng lên 20% mới điều chỉnh thì lúc đó gây gánh nặng cho người nộp thuế. Chính vì vậy cần sớm đẩy kế hoạch sửa luật thuế TNCN nhanh hơn so với dự kiến. Nếu theo lộ trình xây dựng luật Thuế TNCN (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đã thông báo thì đến tháng 5.2026 mới có thể được Quốc hội thông qua. Như vậy khả năng đến năm 2027 luật mới có hiệu lực.
Do đó, ông Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị đẩy nhanh lộ trình sửa đổi thuế TNCN lên sớm hơn 1 năm, là trình Quốc hội việc sửa đổi vào tháng 10 năm nay. Thêm vào đó, để tránh bất cập như thời gian qua khi đưa ra mức GTGC theo con số cố định, luật thuế TNCN sửa đổi nên quy định mức GTGC có thể tương ứng 8 lần lương cơ sở. Nếu tính theo mức lương sửa đổi mới kể từ ngày 1.7 lên 2,34 triệu đồng/tháng thì mức GTGC tương đương 18,7 triệu đồng đối với người nộp thuế. Còn người phụ thuộc chiếm 50% mức GTGC của người nộp thuế. "Với phương thức tính mức GTGC tự trượt như vậy, khi lương cơ sở điều chỉnh tăng thêm thì mức GTGC cũng tăng lên theo, không gây bất cập khi áp dụng cũng như bức xúc cho người nộp thuế. Thuế TNCN khoan sức dân nên với phương thức hợp lý thì người nộp thuế khi đóng thuế cũng sẽ thấy nhẹ nhàng hơn", ông Nguyễn Ngọc Tú nhận định.
Kiểm soát tình trạng "tát giá theo lương"Thực tế trong những ngày qua, dù mức lương cơ sở mới do Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng vẫn chưa đến thời điểm thực hiện nhưng nhiều mặt hàng đã âm thầm tăng giá, nhất là ở một số chợ lẻ, nhỏ. Theo chị Nguyễn Ngọc Thùy, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), nhiều sản phẩm đã tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg nên đôi khi người mua không để ý. Gần đây, giá đường cát đã lên 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với khoảng 2 tháng trước. Hay hồi đầu tháng 6, giá gạo có một đợt tăng mạnh, đặc biệt là gạo ST25 tăng gần 3.000 đồng/kg. Nhiều người bán giải thích do vụ đông - xuân kết thúc, lượng hàng xuất khẩu rất lớn khiến nguồn cung gạo đông - xuân khan hiếm…
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, trên thực tế luôn có tình trạng hàng hóa "tát giá" mỗi lần lương được điều chỉnh tăng. Điều này khiến việc tăng lương của nhà nước không còn đầy đủ ý nghĩa thật sự. Ví dụ, nếu như trước đây mức lương của một viên chức, công chức trong tháng đủ mua 10 kg thịt bò thì sau khi được điều chỉnh tăng phải mua được 11-12 kg mới đúng ý nghĩa. Tuy nhiên, thực tế giá thịt bò lại tăng cao hơn mức tăng lương nên người viên chức này chỉ còn mua được ít hơn 10 kg với số lương của mình.
"Hàng hóa tăng giá nếu theo lý do khách quan như thời tiết, thiên tai khiến nguồn cung đột nhiên thiếu hụt là việc phải chấp nhận. Nhưng nếu giá hàng hóa âm thầm tăng do tâm lý "tát nước theo mưa" thì cần phải được chấn chỉnh. Chính phủ phải yêu cầu các bộ ngành theo sát, kiểm tra và có hình thức xử phạt mạnh để răn đe khi phát hiện tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, các mặt hàng hiện do nhà nước kiểm soát giá như xăng dầu, điện hay dịch vụ y tế, giáo dục… phải tính toán thời điểm điều chỉnh giá hợp lý nếu cần thiết. Mọi giải pháp phải đảm bảo không thể để hàng hóa tăng giá nhanh hơn mức tăng lương cơ sở. Từ đó mới đảm bảo ổn định cho đời sống của người lao động, công chức, viên chức", ông Long nhấn mạnh.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần triển khai một số biện pháp nhằm kiểm soát các mặt hàng tăng giá theo lương. Cụ thể, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thực hiện kiểm tra việc hình thành giá cả những mặt hàng thiết yếu. Cơ quan quản lý thị trường kết hợp với các chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, tiểu thương tại các chợ, siêu thị, nhà hàng… để không tăng giá bất hợp lý theo lương. Đồng thời, tại thời điểm tăng lương, những mặt hàng, dịch vụ như điện, nước, y tế, học phí… không nên tăng để không tạo ra sự gia tăng đột biến về giá cả trong giai đoạn này. Việc kiểm tra này cũng cần duy trì vào những tháng sau đó để giữ cho giá cả hàng hóa, dịch vụ được chấp hành một cách nghiêm túc theo quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm. Việc kiểm soát giá cả biến động ở một mức hợp lý vừa giúp ổn định đời sống của người dân vừa giúp lạm phát duy trì trong mục tiêu đề ra.
Lương cơ sở thay đổi nhưng mức giảm trừ gia cảnh đứng yênTừ năm 2004 đến nay, lương cơ sở đã thay đổi 14 lần và tăng 6,2 lần. Theo thống kê, trong giai đoạn từ 2011 - 2020, lương cơ sở tăng bình quân 7,6%/năm. Riêng từ năm 2020 đến nay lương cơ sở cũng được điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng và sắp tới lên 2,34 triệu đồng, tương ứng mức tăng hơn 63%, nhưng mức GTGC trong quy định nộp thuế TNCN từ năm 2020 đến nay vẫn đứng yên.
Càng kéo dài thời điểm sửa luật Thuế TNCN càng bất cậpChính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của người làm công ăn lương có thể sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể, khi mà họ có thể "đột nhiên" trở thành đối tượng chịu thuế TNCN và bị khấu trừ một khoản ngay sau điều chỉnh tăng lương. Trong khi đó, thực tế hiện nay là cứ mỗi khi nhà nước tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng thì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt lại tăng thêm một mức mới. Điều này khiến đời sống thực tế của nhiều người có thể khó khăn hơn so với trước khi tăng lương. Do đó, cần thiết phải xem xét điều chỉnh quy định về thuế TNCN và tương ứng theo lộ trình điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng. Một số nội dung cần xem xét điều chỉnh như nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế TNCN và mức GTGC cho sát với thực tiễn.
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT
Quy định giảm trừ gia cảnh dựa vào lương tối thiểuChỉ số CPI tính trên 725 mặt hàng, trong khi chi phí sinh hoạt của người lao động chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu. Vì vậy việc điều chỉnh mức GTGC dựa vào chỉ số CPI là chưa hợp lý. Nguyên tắc thuế thu nhập là phải được trừ đi chi phí tối thiểu trước khi tính thuế, giống như thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, mức sống, chi phí của từng khu vực khác nhau. Vì vậy, lương tối thiểu cũng được chia theo từng vùng nhằm đảm bảo mức sống của người lao động. Thu nhập người nộp thuế tăng lên theo mức lương tối thiểu những năm qua nhưng mức GTGC thì giậm chân tại chỗ, dẫn đến tình trạng khi thu nhập tăng thêm thì nhiều cá nhân cũng phải đóng thuế nhiều hơn. Chính vì vậy, khi sửa luật thuế TNCN cần dựa theo mức lương tối thiểu để tính ra mức GTGC hằng năm thay vì chỉ dựa vào chỉ số CPI. Mức này có thể là 4 lần mức lương tối thiểu. Do sửa luật thuế TNCN mất vài năm nên nếu được có thể thực hiện ngay việc giảm thuế TNCN 50% trong những tháng cuối năm 2024. Điều này không chỉ hỗ trợ người nộp thuế mà có thể kích thích kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM